Chị Bùi Thị Thúy (ấp Gia Biện, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo): Vươn lên thoát nghèo từ bản tính cần cù của người phụ nữ
Với bản tính cần cù, chịu thương chịu khó của người Phụ nữ Việt Nam và nghị lượt vươn lến thoát nghèo, từ 2 bàn tay trắng; chị Bùi Thị Mộng Thúy, sinh năm 1982, hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Gia Biện, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo đã vươn lên thoát nghèo bền vững và trở thành một trong những tấm gương điển hình trong làm kinh tế giỏi, nghị lực vượt khó, thoát nghèo của hội viên Phụ nữ xã Tam Lập trong những năm qua
Theo lời giới thiệu của chị Dư Thị Ngoan, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ xã Tam Lập, huyện Phú Giáo; chúng tôi đến thăm “cơ ngơi” của gia đình chị Bùi Thị Thúy, hội viên Phụ nữ ấp Gia Biện, xã Tam Lập vào một chiều tháng 6 trong các nắng hè chang chang. Dù đã hẹn trước, nhưng phải đợi khá lâu chúng tôi mới gặp được chị Thúy đang trên đường từ chợ Phú Giáo trở về. Dẫn chúng tôi vào vườn sầu riêng đang vào vụ trái xum xuê, chị Thúy cho biết đây là thành quà mà hơn 20 năm vợ chồng chị gầy dựng với bao mồ hôi, nước mắt và cả những lúc muốn buông xuôi tìm nơi ở mới; bởi giữa mênh mông rừng cao su của mười mấy năm về trước không điện, nước sạch, vợ chồng chị như người “rừng” sống biệt lập với sự náo nhiệt ở bên ngoài xã hội. Chồng chị Thúy, anh Trần Phương Nhi, một trong những điển hình nông dân làm kinh tế giỏi của Phú Giáo tiếp câu chuyện của vợ với chúng tôi. Anh cho biết để có được thành quả như ngày hôm nay, anh phải cảm ơn vợ anh, chị Thúy, một người vợ tảo tần, chịu thương, chịu khó, thương chồng con và quan trọng hơn là có ý chí quyết tâm rất lớn. Rồi anh Nhi cho biết vườn sầu riêng hiện nay một phần lớn là công sức của chị
Anh Nhi cho biết những ngày mới xuống giống cây, không có tiền chăm sóc, một tay chị chạy chợ, buôn bán để nghề, từ thu mua trái cây của các hộ xung quanh trong xóm đem ra tận chợ Phú Giáo bán, chị lại xoay vốn vay để đầu tư chăm bón cho cây phát triển như người ta. Bản thân anh dù mang tiếng làm nhiệm vụ duy nhất chăm sóc vườn cây, nhưng tìm hiểu kĩ thuật của các nhà vườn đi trước chị cũng hăng hái đi cùng. Tranh thủ lúc chồng trò chuyện với khách, chị vào nhà làm cốc nước mát đem ra đãi khách đi đường xa. Chị cho biết trước đây cuộc sống gia đình còn khó khăn, làm gì có điện thắp sáng mà có nước mát đãi khách. Nay nhờ có điện nên mọi sinh hoạt trong gia đình ngày một tốt hơn. Nhớ lại những ngày đầu mới lập nghiệp, chị Mộng Thúy cho biết đó là thời kì gia đình chị vô cùng khó khăn, miếng ăn còn phải chạy từng bữa. Đó là vào năm 2000, sau khi lập gia đình, vợ chồng anh chị quyết định rời quê hương chồng ở Đồng Nai về xã Tam Lập đi làm thuê, làm mướn cho người thân trong họ hàng. Cuộc sống nơi xứ lạ, không một miếng đất cắm dùi, anh chị đi làm thuê làm mướn tháng được mấy trăm ngàn chỉ đủ lo cho gia đình 3 miệng ăn. Năm 2008, đứa con thứ 2 chào đời, cuộc sống khó khăn càng thêm chồng chất. Chị Thúy cho biết cũng may trời thương cho vợ chồng sức khỏe, con cái ngoan, ít quấy khóc nên anh chị quyết lăn lộn để kiếm tiền dành dụm lo cho cuộc sống sau này. Làm đủ mọi việc, hết làm thuê, chị lại tranh thủ mua trái cây tại vườn của người dân đem ra chợ bán. Cứ vậy tích cóp qua ngày vợ chồng anh chị cũng mua được hơn 2ha đất ven sông, là mảnh đất mà một người dân sống gần nơi anh chị làm thuê, làm mướn “bán tháo” chạy lấy người vì từng chứng kiến có năm nước sông Bé dâng cao, ngập đến tận nơi ở.
Có đất, anh chị mạnh dạn đầy tư trồng mì, rồi có vốn chuyển dần sang trồng các loại cây ăn trái như cam, quýt, 5 năm trước, nhận thấy vùng đất này thích hợp với cây sầu riêng, anh chị quyết định chuyển sang trồng toàn bộ sầu riêng. Đến nay, sầu riêng đã cho trái. Chị Thúy cho biết với 2 ha sầu riêng hiện nay, mỗi năm gia đình anh chị cũng có doanh thu trên dưới 300 triệu đồng. Cộng với tiền chạy chợ của chị hàng ngày, cuộc sống gia đình chị dù không nói khá giả nhưng cũng đã ổn định. Có điều kiện lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Và với chị niềm vui nhất đó là thành quả của gia đình chị gầy dựng hôm nay có được từ sự đồng thuận, yêu thương nhau, động viên nhau vượt qua những lúc khó khăn của cuộc sống. Niềm hạnh phúc của người phụ nữ như chị đó là thấy các con trưởng thành, ngoan ngoãn, lễ phép và gia đình hòa thuận, yên vui. Còn với chị việc chị vẫn hàng ngày đi chợ bán trái cây, ngoài niềm vui công việc, đó còn là kí ức của một thời gian khó. Đồng thời việc làm của chị cũng nhằm mục đích tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân trong xóm, tránh bị thương lái ép giá, gây thiệt cho người nông dân. Bởi chị cũng đã và đang là người nông dân, nên chị hiểu giá trị của lao động, nỗi vất vả của người nông dân khi làm ra sản phẩm và bị thương lái ép giá càng thêm thiệt thòi.
Ảnh: Chị Bùi Thị Mộng Thúy bên vườn sầu riêng là tài sản bao nhiêu năm anh chị tích cóp và gầy dựng
Chị Dư Thị Ngoan, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ xã Tam Lập, huyện Phú Giáo cho biết: Ngoài là một trong những gương điển hình tiêu biểu của Phụ nữ Tam Lập về nghị lực vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững; chị Bùi Thị Mộng Thúy còn là một người hội viên nhiệt tình trong công tác Hội, trách nhiệm với cộng đồng, luôn sẻ chia khó khăn với chị em hội viên. Trước đây, dù gia đình còn khó khăn, nhưng ngoài việc cùng chồng hỗ trợ kĩ thuật chăm sóc cây trồng cho chị em khác có nhu cầu; chị còn hỗ trợ vốn vay tùy theo khả năng của mình cho chị em phụ nữ khác trong xóm. Đến nay chị vẫn duy trì thói quen đó bằng việc lập ra quỹ giúp nhau phát triển kinh tế với hơn 10 thành viên đóng góp mỗi tháng 2 triệu đồng, để tạo điều kiện cho chị em có nhu cầu vốn đầu tư sản xuất nhận. Và điều đáng quý nhất ở chị Mộng Thúy đó là dù có cuộc sống khá giả nhưng chỉ vẫn giữ thói quen của một người phụ nữ chăm làm, bươn trải không chỉ để lo cuộc sống gia đình mà còn mong muốn tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp của chị em khi làm ra. Mùa nào, thức nấy, chị xốc vác đi vào từng vườn của từng hộ gia đình thu gom các sản phẩm. Sau đó tự mình chở ra chợ bán hoặc tìm mối tiêu thụ ổn định cho chị em.
HẢI SÂM