image banner
Già làng La Văn Bình: Tam Lập (Phú Giáo) đất lành đã hóa quê hương
Cỡ chữ: A+ A A- In bài viết: 🔼Tăng tương phản 🔽Giảm tương phản
20 năm đối với con người là hai thế hệ; nhưng đối với lịch sử thì đó chỉ là một sự sơ khai, khởi nguyên của một quá trình phát triển. Là người chứng kiến, sống trong hơi thở của quá trình sơ khai, chuyển mình phát triển của vùng đất Tam Lập; ông La Văn Bình, già làng đồng bào dân tộc Sán Chỉ, ngụ ấp Đồng Tâm, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo không chỉ tự hào về những đổi thay của Tam Lập suốt 20 năm qua. Mà với ông và cả cộng đồng dân tộc Sán Chỉ của ông mảnh đất nghèo Tam Lập 20 trước kia là vùng đất lành, nơi nuôi dưỡng tâm hồn, hơi thở của cộng đồng dân tộc Sán Chỉ và vùng đất lành ấy đã hóa thành quê hương. Không chỉ với các con, các cháu ông. Mà ngay với chính bản thân ông, Tam Lập đã là quê hương thứ hai trong trái tim thổn thức, lo toan cho cháu con ngay từ buổi

Hơn 30 năm gắn bó với mảnh đất Tam Lập; có lẽ hơn ai hết trong cộng đồng dân tộc Sán Chỉ và cả những người con của Tam Lập hôm nay hiểu và tự hào về sự đổi thay, chuyển mình của vùng đất khó. Dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”. Nhưng già làng La Văn Bình vẫn còn nhớ như in những kí ức của những ngày khó khăn về vùng đất khó lập nghiệp. Ông cho biết cộng đồng dân tộc Sán Chỉ ấp Đồng Tâm hiện nay di cư từ vùng đất Thái Nguyên. Vùng đất của những mấy chục năm về trước nổi tiếng “giàu” do có khu công nghiệp gang thép Thái Nguyên. Mặt bằng chung là vậy; nhưng với cộng đồng dân tộc Sán Chỉ làng Hin, xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương, Tỉnh Thái Nguyên của ông thì hết sức khó khăn. Bởi cái tên làng Hin trong tiếng dân tộc Sán Chỉ có nghĩa là làng đá. Ngôi làng của cộng đồng dân tộc Sán Chỉ nơi ông ở khi đó là đá bao vây và huyện Phú Lương cũng thuộc huyện khó khăn nhất nhì của tỉnh Thái Nguyên lúc bấy giờ. Với xung quanh tứ bề đá bao vây, dù cho con người có sức khỏe thì cuộc sống cũng rất khó khăn và nếu không có định hướng tương lai xa thì nghèo đói vẫn hoàn nghèo. Với kinh nghiệm của một người cựu chiến binh từng xông pha chiến trường gian khổ. Khi về vùng đất Tam Lập (khi đó là Vĩnh Hòa), già Bình nhận thấy đây là vùng đất lành để gầy dựng cuộc sống, lập làng, định cư.

Ảnh: Già làng La Văn Bình

Già làng La Văn Bình kể đó là ngày 2 tháng 4 năm 1990, mảnh đất Tam Lập này lúc đó có tên là ấp Cựa Gà, xã Phước Vĩnh, ấp Cựa Gà, huyện Đồng Phú, tỉnh Sông Bé. Vì cái nghèo ở quê hương; ông đã có một quyết định táo bạo là Nam tiến để làm kinh tế, lập làng. Khi đó, ông đưa vợ cùng 2 người con của mình. Trong đó người con lớn nhất khi đó 10 tuổi và người con nhỏ 3 tuổi. Nhớ lại 33 năm từ ngày đến vùng đất mới Tam Lập lập nghiệp và 20 năm kể từ ngày xã thành lập đến nay, già Bình vẫn còn nhớ như in từng kỉ niệm. Đó là thời cái xóm Đồng Tâm khi đó không có một con đường đi đúng nghĩa, mà chỉ là đường xe bò. Rồi đến năm 2004, khi xã Tam Lập được thành lập, già Bình lại là người tiên phong trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền và phát triển kinh tế của địa phương vùng đất mới. Già Bình cho biết khi mới thành lập xã Tam Lập dân số xã chưa đến 5 ngàn người. Cả xã mà dân số chưa bằng khu phố 5, Thị trấn Phước Vĩnh; nhưng vẫn hình thành nên một đơn vị hành chính. Đó là một quyết định đúng đắn để Tam Lập phát triển như ngày hôm nay. Đảng bộ xã lúc đó chỉ là Chi bộ Đảng, với khoảng 18 đảng viên. Và ông được Chi bộ Đảng phân công làm Tổ trưởng (tương ứng với Bí thư Chi bộ hiện nay) Đảng ấp Gia Biện. Đường đi lối lại khó khăn, nhưng với già Bình đó là những năm tháng không thể nào quên trong cuộc đời “vác tù và hàng tổng”. Với “con ngựa chiến già” hàng ngày ông rong ruổi xuống địa bàn để nghe bà con nói chuyện làm ăn. Cứ như vậy từ lúc ra đi trời vừa bừng sáng, cho đến khi trở về nhà nhập nhoạng tối, ông đi gần 100km đường rừng, với ổ gà, ổ voi và cả những ruổi ro khác. Nhưng vì sự phát triển của địa phương, vì quê hương thứ hai, vì mảnh đất lành cho gia đình ông những hy vọng, ông đã gắn bó để rồi thấy được những niềm vui, đổi thay đến khó ngờ như hôm nay.

Chứng kiến hành trình 20 năm chuyển mình vượt khó của Tam Lập, đối với một cựu chiến binh như già làng La Văn Bình vẫn là điều gì đó như là giấc mơ. 20 năm với những thành tựu to lớn. Đời sống của người dân xã Tam Lập nói chung, đồng bào dân tộc Sán Chỉ của già làng Bình nói riêng có một cuộc chuyển mình phát triển mạnh mẽ mà theo như ông cho biết đó là sự phát triển của những người xa quê chúng như thay đổi khiến những người ở quê không tin nổi đó là sự thật. Già La Văn Bình, cho biết quá trình trưởng thành của xã Tam Lập đi từ nhiều con số 0. Đó là từ chỗ không có 1m đường bê tông, bây giờ có cả một hệ thống đường huyện thảm nhựa như ĐH501, ĐH502 và hiện nay là đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng và Phú Giáo – Đồng Phú. Các ấp hiện nay ấp nào cũng đường giao thông rộng rãi, bê tông hoặc thảm nhựa.

Ảnh: Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số xã Tam Lập ngày càng đổi thay nhờ Đảng, Chính quyền chăm lo và tạo điều kiện. Lễ hội cầu mùa của đồng bào dân tộc Sán Chỉ, tiết mục múa tắc xình nhân dịp đầu năm mới

Từ việc không có trường lớp ngay tại địa bàn. Trước kia con cháu đồng bào muốn đi học cũng là một hành trình gian nan, có khi phải gửi đi học ở nơi khác, đến lớp 4, lớp 5 mới đưa về đi học ngoài Thị trấn. Đến nay xã đã có hệ thống trường đạt chuẩn Quốc gia cả 3 cấp học. Trường TH và THCS được lầu hóa khang trang. Từ chỗ các cháu phải đi bộ đến trường để nuôi con chữ. Giờ đây các cháu đi học đã có xe đạp xe điện hoặc xe máy đến trường. Từ chỗ mong sao ngày ba bữa đủ no. Nay nhiều hộ gia đình đã có ăn ngon, mặc đẹp, có xe hơi phục vụ cho đời sống hàng ngày. Rồi điện thắp sáng, phục vụ cho sản xuất; Trạm y tế phục vụ cho việc chăm sóc sức khỏe của Nhân dân. Đời sống vật chất khá lên, đời sống tinh thần cũng được các cấp Đảng, Chính quyền quan tâm chăm lo chu đáo. Nhất là nét văn hóa riêng của đồng bào không chỉ được lưu giữ mà còn đã và đang được phát triển, trở thành nét sinh hoạt chung đó là lễ Hội cầu mùa của đồng bào được tổ chức hàng năm vào ngày 6 tháng giêng âm lịch.

Và cũng chính từ mảnh đất này 3 thế hệ con cháu cộng đồng dân tộc Sán Chỉ đã lớn lên. Theo già Bình cho biết đến nay số con cháu đồng bào sinh ra và lớn lên trên vùng đất mới Tam Lập đến nay là 70 người; trong đó đang học cấp 3 (từ lớp 10 đến lớp 12) là 12 cháu; đang học Đại học là 8 cháu; đang học Tiểu học và THCS tại trường TH&THCS Tam Lập hơn 30 cháu. Ngoài ra, còn có 12 cháu dưới 6 tuổi đang theo học Mầm non và 3,4 cháu đang còn nhỏ chưa đến trường. Điều đó mang đến cho ông niềm vui lúc tuổi già; bởi chính nơi đây, mảnh đất Tam Lập này đã dần trở thành quê hương của con cháu trong cộng đồng. Là nơi các con cháu của già sẽ lại trở về đề dựng xây mảnh đất quê hương mình phát triển ngày càng giàu đẹp hơn.

HẢI SÂM

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Bản quyền thuộc Ủy ban nhân dân Xã Tam Lập
Địa chỉ: Xã Tam Lập, Huyện Phú Giáo, Bình Dương
Điện thoại:    Fax: 
Email: