Ngày 19/01/2004, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo được thành lập theo Nghị định 156/NĐ-CP ngày 10/12/2003 của Chính Phủ, trên cơ sở tách ra từ xã Vĩnh Hòa, với diện tích tự nhiên hơn 12 ngàn ha, với 951 hộ, 2.119 khẩu và được chia thành 4 ấp; gồm Đồng Tâm, Gia Biện, Cây Khô và Đuôi Chuột. Với đặc thù của một xã nông nghiệp; nên những ngày đầu khi mới thành lập, xã Tam Lập còn muôn vàn khó khăn. Dân cư thưa thớt, đời sống người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, nên Tam Lập là một trong những xã nghèo của huyện Phú Giáo. Đến nay sau 20 năm (2004 – 2024) xây dựng và phát triển, dưới ánh sáng Nghị quyết của Đảng, tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn của Chính quyền và các tầng lớp Nhân dân, Tam Lập đã từng bước vươn mình phát triển trở thành địa phương giàu tiềm năng phát triển của Phú Giáo. Trong đó nổi bật
Về Tam Lập hôm nay, chúng ta dễ dàng cảm nhận những đổi thay mạnh mẽ và một sức bật của một vùng đất non trẻ, với những lợi thế đặc trưng của một địa phương đang trên đà vươn mình phát triển. Mấy năm trước kia, khi nói đến Tam Lập là nói đến vùng đất của bạt ngàn cao su, vùng đất đầy khó khăn nhưng cũng không kém tiềm năng phát triển. Sau hơn 20 thành lập, xây dựng và phát triển với những định hướng chiến lược trong quá trình lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, xã Tam Lập trước kia, nay được biết đến với sự chuyển dịch mạnh mẽ trên con đường phát triển công nghiệp, với sự hình thành của Cụm công nghiệp Tam Lập đã đi vào hoạt động tạo thế và lực cho quá trình phát triển kinh tế của địa phương, cũng như thu hút đầu tư tạo nên sự sôi động mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy nền kinh tế của xã tăng trưởng ổn định và chuyển dịch đúng hướng.
Nhớ lại những ngày đầu vừa mới thành lập xã; ông Nguyễn Văn Phố, Nguyên Chủ tịch UBND xã Tam Lập khóa I cho biết vùng đất Tam Lập khi đó còn bộn bề khó khăn, đúng nghĩa với việc đi xây dựng vùng kinh tế mới. Đường giao thông đi lại chưa có, mà chỉ là cái đường be của người dân đi lại thành lối mòn. Tuyến đường ĐH502 nối từ ấp Cây Khô và Đuôi Chuột qua Đồng Tâm, Gia Biện bị ngăn cách bởi suối Vàm Vá II không có cầu mà chỉ là những khúc cây được bắc qua con suối để đi qua. Việc đi lại thông thương của Tam Lập khi đó hết sức khó khăn, cách trở. Đời sống người dân Tam Lập khi đó thuộc diện nghèo nhất của huyện, của tỉnh Bình Dương; với tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 10% dân số. Với những căn cơ bước đầu cho sự phát triển như vậy, ngay cả những người lạc quan nhất cũng không thể tưởng tượng được chỉ sau 20 năm Tam Lập đã chuyển mình mạnh mẽ và có bước phát triển đáng kinh ngạc và tự hào như ngày hôm nay. Là địa phương tiên phong trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp mà là công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ. Đó thật sự là niềm vui của một người từng làm công tác quản lý tại địa phương. Mong rằng đến cuối nhiệm kì 2020 – 2025 này, Tam Lập sẽ vươn tầm hơn nữa, trở thành trọng điểm trong quá trình phát triển của Phú Giáo trong tương lai.
Ảnh: Sau 20 năm xây dựng và phát triển, Tam Lập đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Trong ảnh: Đường vào Trung tâm hành chính xã ngày càng khang trang
Kinh tế - xã hội của Tam Lập chuyển mình duy trì sự phát triển ổn định. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 14,6%. Cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp và tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt trên 813 tỷ đồng, chiếm 73,7% cơ cấu kinh tế, giảm 15,3% so với năm 2004. Giá trị sản xuất Công nghiệp ước đạt hơn 132 tỷ đồng, chiếm 12% cơ cấu kinh tế và tăng 10% so với năm 2004. Hoạt động thương mại, dịch vụ ngày càng phát triển. Hiện toàn xã có 88 cơ sở kinh doanh; 141 hộ kinh doanh cá thể. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt gần 158 tỷ đồng, chiếm 14,3% cơ cấu kinh tế, tăng 5,3% so với năm 2004.
20 năm thành lập và phát triển, 12 năm triển khai xây dựng Nông thôn mới, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã Tam Lập không ngừng phấn đấu hoàn thành và nâng cao các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Kết cấu hạ tầng đặc biệt là giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư nâng cấp; các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả được nhân rộng; văn hoá, xã hội, giáo dục, y tế có nhiều chuyển biến tích cực; đào tạo nghề giải quyết việc làm từng bước thu hút đông đảo nhân dân tham gia; an ninh trật tự xã hội được giữ vững, ổn định. Đến năm 2015, xã Tam Lập được công nhân đạt chuẩn nông thôn mới theo Quyết định số 3025/QĐ-UBND ngày 18/11/2015 của UBND tỉnh Bình Dương. Từ năm 2015 – 2023 xã Tam Lập phấn đấu xây dựng Nông thôn mới nâng cao và đến nay đã đạt 19/19 tiêu chí, 75/75 chỉ tiêu theo Quyết định 2459/QĐ-UBND ngày 03/10/2022 của UBND tỉnh Bình Dương.
Ảnh: Tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng đi qua địa bàn xã là xung lực thúc đẩy Tam Lập ngày càng phát triển
Đặc biệt khi nói đến Tam Lập, nhiều người đều biết đây là một trong những địa phương từng có thời điểm được coi là vùng trũng về giáo dục của Phú Giáo, với cơ sở vật tạm bợ, vô vàn khó khăn. Nhưng đến nay, sự nghiệp giáo dục của Tam Lập đã có những đổi thay mạnh mẽ. Hiện trên địa bàn xã có 1 trường Mầm non và 1 trường TH-THCS các trường được được tư xây dựng khang trang, lầu hóa đảm bảo nhu cầu học tập của học sinh. Hàng năm tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình các cấp hàng từng bước được nâng lên. Tỷ lệ trẻ đến trường đúng độ tuổi đạt 100%; học sinh hoàn thành chương trình Tiểu học vào lớp 6 đạt 100%; học sinh tốt nghiệp THCS đạt từ 98%; thanh thiếu niên từ 15 đến 18 tuổi Tốt nghiệp THCS tiếp tục học THPT và học nghề đạt trên 98%. Xã được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; đạt chuẩn phổ cập GDMN trẻ em 5 tuổi; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2; đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3.
Ông Lê Văn Phất, người dân ấp Cây Khô, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo phấn khởi cho biết: Là người gắn bó với Tam Lập từ những ngày đầu xã được thành lập; hơn ai hết ông là người chứng kiến rõ rệt nhất những đổi thay của vùng đất nghèo khó Tam Lập của mười mấy, hai mươi năm về trước. Nói gì 20 năm trước, mà chỉ 15 trước thôi người dân Tam Lập như ông có nằm mơ cũng không dám nghĩ Tam Lập có được hệ thống đường giao thông, trường học, điện thắp sáng, trạm y tế phục vụ Nhân dân. Lúc đó, ông chỉ ao ước mỗi ngày có hai bữa cơm no, có cái xe đạp, con đường đất đỏ cứng cáp để đi lại thuận tiện là mừng, có ngôi trường mái lợp tôn cho các cháu đến trường là hạnh phúc lắm rồi. Có khi nào dám mơ cái xe máy, cái ô tô, điện sáng khắp đường làng, ngõ xóm, ngôi trường lầu hóa khang trang, đường bê tông, thảm nhựa như bây giờ. Nhất là có giàu sức tưởng tượng cỡ nào, cũng không thể hình dung trên địa bàn xã có cụm công nghiệp, có tuyến đường tạo lực băng qua. Nó mở ra cơ hội phát triển cho người dân địa phương và toàn bộ nền kinh tế của xã. Giờ đây không chỉ cơm ăn no ngày 2 bữa mà 3 bữa ăn ngon, cái xe máy cà tàng mà cả xóm ai cũng ước ao, giờ nhà nào cũng có ít nhất một chiếc xe máy xịn. Điện về như phố thị nhộn nhịp hẳn lên. Trong cái xóm nhỏ ông ở giờ đây cũng có vài chục chiếc xe hơi đời mới xịn, giá vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. Sự đổi thay của Tam Lập giờ ngồi nhớ lại chắc vài ngày chưa hết.
Sự phát triển của Tam Lập hôm nay được ghi dấu ấn bởi sự đổi thay của một nền kinh tế mới. Lĩnh vực nông nghiệp phát triển toàn diện, gắn trồng trọt với chăn nuôi, phát huy mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động; sản xuất theo quy hoạch vùng đặc biệt là cây cao su, cây tiêu, cây điều và các loại cây ăn quả khác với tổng diện tích hơn 10 ngàn ha, trong đó diện tích cây cao su chiếm tỷ lệ cao, đã đem lại nguồn lợi đáng kể cho người dân. Do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi nên kinh tế trang trại phát triển mạnh trong thời gian qua. Hiện có 61 trang trại chăn nuôi đang hoạt động có hiệu quả và hầu hết ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; trong đó 2 trang trại đăng ký với 2 sản phẩm OCOP được đánh giá 3 sao.
Các chính sách an sinh xã hội, công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm được quan tâm. Trong 20 năm qua, xã đã vận động xây dựng và trao tặng 49 căn nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương, nhà đồng đội cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, với kinh phí hơn 1 tỷ 350 triệu đồng. Tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo vay vốn Ngân hàng chính sách để giải quyết việc làm từ các nguồn vốn vay như vốn hộ nghèo, cận nghèo; vốn giải quyết việc làm, vốn nước sạch vệ sinh môi trường, vốn học sinh sinh viên, vốn hỗ trợ của các đoàn thể, với tổng số tiền hơn 28,2 tỷ. Từ đó, hộ nghèo theo tiêu chí trên địa bàn xã được kéo giảm đến mức thấp nhất. Đặc biệt trong đợt dịch Covid – 19 vào năm 2020, 2021, UBND xã đã vận động, tiếp nhận nguồn lực hỗ trợ người dân với trị giá gần 960 triệu đồng và lập hồ sơ đề nghị giải quyết trợ cấp cho 2.056 trường hợp, với số tiền hơn 2,7 tỷ đồng.
Ảnh: Hoạt động sản xuất tại nhà máy sản xuất lốp xe du lịch của tập đoàn Hưng Hải Thịnh tại Cụm công nghiệp Tam Lập 1
Công tác dân tộc, tôn giáo được chú trọng. Toàn xã hiện có 58 hộ/407 khẩu dân thuộc 16 dân tộc thiểu số, sống tập trung chủ yếu tại ấp Đồng Tâm và ấp Gia Biện, hầu hết các hộ dân tộc có đời sống kinh tế ổn định. Thời gian qua, nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống, UBND xã luôn quan tâm hỗ trợ, giải quyết các nhu cầu về chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp, dạy nghề và tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của địa phương. Vận động và hỗ trợ cộng đồng dân tộc thiểu số của xã duy trì tổ chức thường xuyên lễ Hội Cầu Mùa của đồng bào dân tộc Sán Chỉ, vừa tạo sân chơi văn hóa bổ ích cho người dân địa phương, vừa lưu giữ và phát huy những giá trị truyền thống đặc sắc trong công đồng dân tộc. Công tác cải hành chính được đổi mới. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; công tác quốc phòng địa phương được giữ vững ổn định.
Ông Nguyễn Anh Vũ, Chủ tịch UBND xã Tam Lập, huyện Phú Giáo cho biết: Với những nỗ lực của cấp ủy Đảng, Chính quyền và các tầng lớp Nhân dân, sau 20 năm xây dựng và phát triển, xã Tam Lập từ một xã nghèo của Phú Giáo đã và đang vươn lên mạnh mẽ, trở thành đầu tàu trong quá trình phát triển nền kinh tế đa dạng với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Cũng qua đó đã góp phần đưa xã trở thành xã Nông thôn mới vào năm 2015; cũng như giữ vững và từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chí Nông thôn mới đã đạt được hướng đến mục tiêu hoàn thành xã Nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2023 và xã Nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm 2025. Đưa Tam Lập trở thành điểm sáng về mọi mặt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh của Phú Giáo những năm tiếp theo.
HẢI SÂM